Thứ Năm, 30 tháng 9, 2010

Hoa hồng nhỏ

“Thật, Thầy bảo các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời." (Mt 18, 3) 



Chị Thánh kính mến,
Hôm nay, mọi người đều nô nức mừng kính Chị. Em là người em gái nhỏ bé yêu mến Chị thật lòng;
Cũng có lòng ước ao yêu Chúa thật nhiều; yêu một cách đơn sơ - nhưng khác chị một điều: can đảm.
Noi gương Chị yêu Chúa bằng những việc làm xuất phát từ tâm - đó vẫn là cuộc hành trình đầy cố gắng của em.
Xin Chị cho em một cánh hoa hồng trong cơn mưa hoa hồng mà Chị hứa ban cho trần gian để em cũng trở nên cánh hoa thơm, cho dù chỉ là mùi hương thoáng qua nhưng có lẽ, Chúa cũng sẽ vui và Chị cũng sẽ mỉm cười, phải không Chị?
************
Dâng lên Chị những người chị em mang tước hiệu Teresa đặc biệt là Cha Giuse - Teresa Trần Anh Thụ.
Luôn nhớ và cầu nguyện liên lỉ cho tất cả mọi người!!!!



Thứ Tư, 29 tháng 9, 2010

Tinh thần nghèo khó

"Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công". (Lc 10, 7)
************

Trong thực tế, người Kitô hữu phải sống thế nào mới gọi là nghèo khó? Ðó là thắc mắc mà trong xã hội nào, ở thời đại nào, các Kitô hữu cũng có thể nêu lên. Phải chăng sống nghèo khó, họ phải từ bỏ mọi thứ của cải trần thế? Phải chăng về lý tưởng nghèo khó, Kitô giáo chủ trương bần cùng hóa xã hội? Thực tế, nghèo không hề mâu thuẫn với sự phát triển hay làm giàu tài nguyên vốn có trong thiên nhiên mà Kitô giáo luôn cổ võ và nâng đỡ. Kitô giáo vốn là sức mạnh tiên phong trong việc khai hóa và mở mang vào thời Trung Cổ tại Âu Châu; những khám phá khoa học và tiến bộ kỹ thuật ở khởi đầu đều phát xuất từ Kitô giáo, như vậy, phát triển hay làm giàu không hề mâu thuẫn với Tin Mừng.
Thế nhưng, làm thế nào để sống tinh thần nghèo khó theo Tin Mừng? Kinh nghiệm cuộc sống cho chúng ta thấy rằng tự nó, của cải vật chất không đương nhiên đem lại hạnh phúc cho con người, trái lại nó luôn có nguy cơ tha hóa và nô lệ hóa con người. Của cải vật chất vốn dễ làm cho con người trở nên mù quáng đối với bản thân cũng như trong quan hệ với tha nhân; và khi đã trở thành mù quáng, con người tôn của cải vật chất lên làm cứu cánh và tự giam mình trong vỏ ích kỷ. Như vậy, có tinh thần nghèo khó đích thực có nghĩa là luôn biết giữ khoảng cách đối với của cải vật chất, biết sử dụng nó như phương thế để tìm kiếm và xây dựng những giá trị Nước Trời, như công bằng, bác ái, liên đới. Một cách cụ thể, có tinh thần nghèo khó đích thực là biết mưu cầu cho công ích, biết san sẻ với người túng thiếu, biết làm ra của cải, nhưng không thuộc về của cải.
Hơn bao giờ hết, người Kitô hữu chúng ta phải không ngừng suy nghĩ về ý nghĩa của tinh thần nghèo khó. Túng thiếu, nghèo đói, mà vẫn tin tưởng, cậy trông và giữ bàn tay thanh sạch, chứ không bán đứng lương tâm để làm điều gian ác; may mắn hơn người khác vì được thịnh vượng, giàu có, mà vẫn biết mở rộng trái tim và bàn tay để chia sẻ cho người nghèo khó, đó là thể hiện của tinh thần nghèo khó đích thực. Trong một xã hội của chụp giựt và xâu xé lẫn nhau, một cuộc sống như thế chắc chắn là một chứng tá cao độ cho Nước Trời.
Nguồn: http://tgpsaigon.net/suy-niem/20100929/6823


Thứ Ba, 28 tháng 9, 2010

Đánh thức

Chúa nhật vừa rồi, tôi có thời gian rãnh tí xíu để ngồi soạn lại đống sách vở trên kệ.
Tôi tìm được tập san của Nhóm Don Bosco khi xưa. Tập san " Lên đường"
Nằm đọc say mê những bài cảm nhận của tất cả các thành viên nhóm xưa kia, mình cảm thấy vui sướng lắm. Nhớ lại khoảng thời gian được sinh hoạt bên nhau vui có, buồn có, giận hờn nhau cũng có... nhưng sao ấm áp và đầy sức trẻ. Việc gì được giao cũng làm, làm một cách hăng say trong sự yêu thương, bảo ban của Cha xứ và những Huynh trưởng nhiệt thành với người trẻ
Khoảnh khắc tuyên hứa sống và phục vụ cho giáo xứ theo tinh thần nhóm Don Bosco dưới chân Mẹ Phù Hộ tại giáo xứ K'rèn, Đà Lạt năm xưa thật ấm áp, lung linh và thiêng liêng. Cảm giác ấy thật cảm động.

Thời gian trôi qua, Cha xứ lên đường du học trời Tây, nhóm Don Bosco xưa không còn nữa. Có lẽ là ý Chúa!
Những người trẻ nhiệt thành ấy mỗi người một nơi. Có người ở lại giáo xứ tiếp tục phục vụ nhưng theo đường hướng mới. Có người quyết tâm "ra khơi" để vẫn được theo đường hướng của Nhóm, để trưởng thành và tiếp cận nhịp sống trẻ nhiều hơn. Cũng có người buông xuôi không sinh hoạt lĩnh vực nào cả....
Tôi cũng đã nằm trong số những bạn trẻ vật vờ, nổi loạn trong lòng, sẵn sàng nghênh chiến với những ai đã làm mất đi những khoảnh khắc tuyệt vời của Nhóm Don Bosco chúng tôi xưa kia.
Lúc ấy, tôi có phần tuyệt vọng . Ra khơi thì thuyền to, sóng cũng to, tôi phải đương đầu với những sóng to gió lớn ấy. Nhưng tôi dần nhận ra ý Chúa cao sâu cho chính bản thân tôi và nhóm Don Bosco. Tôi chuẩn bị tâm lực thật vững vàng để " lên đường" với Chúa.
Trở về mái nhà xưa với những lo lắng, bồi hồi. Tôi vẫn chưa làm được gì cho giáo xứ nhỏ bé thân yêu. Tập san " Lên đường" của nhóm đã đánh thức tôi phải góp sức cho giới trẻ giáo xứ. Tôi đã có những dự kiến thực hiện trong tầm gần, tuy chưa thực sự khởi sắc nhưng cũng làm dậy men khối bột nhỏ trong chính bản thân tôi.
Xin Thánh Don Bosco giúp sức và cùng đồng hành với con trong ước nguyện phục vụ người trẻ. Xin cho những kế hoạch của Ban điều hành giới trẻ chúng con được thực hiện theo Thánh ý Chúa. Amen

Tôi theo Chúa

"Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa "
(Lc 9,62)


Giê-su thân, đọc Lời Chúa hôm nay mình cảm thấy ưu tư rất nhiều và mình cũng xác tín một điều rằng: theo Cậu  là phải từ bỏ tất cả.
Nghĩ như vậy nhưng thực hiện thì không dễ tí nào hết.
Đứng trên góc độ của một người đã quyết tâm đi theo Giê-su nhưng với sự hiểu biết đơn sơ, muốn theo Cậu chỉ vì thấy thinh thích thì theo, mình đã không can đảm để theo cậu đến cùng. Xấu hổ quá, Giê-su ơi!!!
Đôi lúc mình đặt Cậu và những ý thích cá nhân lên bàn cân....
Theo Cậu thì phải từ bỏ mọi sự yêu thích kể cả gia đình..... mình không nỡ làm như vậy
Không theo Cậu thì mình tiếc nuối như đánh mất một điều gì đó quý giá lắm, tâm hồn mình như thiếu vắng một tia sáng cho dù là nhỏ nhoi nhưng cũng đủ làm bừng lên sự bình an.
Có những lúc mình nằm vùi trên sự lười biếng không thích suy nghĩ, không thích giúp người này, ghét người nọ, không thích đi tập hát như mình vẫn đam mê ... không thích nghĩ đến Cậu như một sự nổi loạn trong tâm hồn của tuổi mới lớn.
Nhưng có những lúc niềm đam mê làm việc với Cậu bừng dậy, lúc ấy mình có thể từ bỏ những niềm vui khác, từ bỏ những lời cấm đoán của gia đình... để theo Cậu. Theo Giê-su để nhận được sự bình an trong tâm. Và bình an ấy không những cho riêng mình không thôi mà còn cho cả những người xung quanh và gia đình mình nữa.
Cám ơn Cậu nhiều lắm vì đã cho mình làm bạn của Cậu suốt mười chín năm nay để mình cảm nhận được ở bên Cậu hạnh phúc như thế nào, mặc dù đã nhiều lần mình cố tình chối bỏ.
Từ hôm nay, mình sẽ quyết tâm theo Cậu bằng việc đọc Lời Chúa và suy niệm hằng ngày và mình sẽ cư xử với anh em nhẹ nhàng, dịu dàng hơn....
Một lời hứa tuy muộn màng nhưng hãy giúp mình Giê-su nhé!
Bạn của Cậu

Thứ Ba, 21 tháng 9, 2010

Phó thác vào Chúa quan phòng

"Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo. 4Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và cũng từ đó mà ra đi. 5Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ." (Lc 9,3-4)



ROMA: 04.09.2010 - Sáng ngày 02 tháng 9 năm 2010 vừa qua, 40 anh em Sa-lê-diêng từ 24 tỉnh dòng đã tề tựu về cộng đoàn Gerini-Roma bắt đầu khóa học chuẩn bị cho đợt xuất phát truyền giáo lần thứ 141 của Tu Hội Thánh Phan-xi-cô Sa-lê. Trong số những anh em lên đường truyền giáo năm nay, 11 người đến từ Việt Nam, 8 người đến từ một số Tỉnh của Ấn Độ, 6 người đến từ 6 tỉnh khác nhau của Phi Châu. Âu Châu, Vùng Nam Mỹ và Hoa Kỳ (1 người) cũng đóng góp nhân sự cho cánh đồng truyền giáo năm nay.
Ngày đầu tiên của khóa học được bắt đầu bằng giờ kinh sáng sốt sắng với nhiều ngôn ngữ khác nhau. Sau những giờ lớp đầu tiên vào buổi sáng, phái đoàn đã dành trọn buổi chiều để đi hành hương đến những nơi thánh Phaolô đã từng đặt chân qua tại Roma trong bước đường truyền giáo của ngài như: Ba Nguồn Nước (nơi thánh Phaolô bị chém đầu), mộ thánh Phaolô, những nơi mà vị tông đồ dân ngoại đã từng sinh sống và bị giam giữ.... Tại Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành, phái đoàn dâng Thánh Lễ Kính Nhớ Thánh Phaolô trở lại như một mẫu gương truyền giáo của mọi thời. Cha Tổng Cố vấn Truyền Giáo Vaclav Klement đã chủ sự thánh lễ. Nơi đây anh em cùng nhau chia sẽ Lời Chúa và những cảm nghiệm trước một sứ mệnh mới sắp được trao phó cho mình cùng bao hoài bão pha lẫn những lo âu trước lời mời gọi lớn lao mà Chúa dành cho mỗi người. Một cuộc hội ngộ ấm áp trong tình hiệp thông huynh đệ, sâu lắng trong bầu khí thiêng liêng và dạt dào những cảm xúc khó tả.
Khóa truyền giáo sẽ kết thúc vào ngày 26 tháng 9 tại đền thờ Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu tại Tô-ri-nô với nghi thức trao Thánh Giá Truyền giáo và Sai Đi được lồng trong thánh lễ do Cha Bề Trên Cả chủ sự.
Là nhóm đông nhất trong đợt xuất phát truyền giáo năm nay, anh em Việt Nam đã đáp máy bay xuống Roma một ngày trước đó (ngày 1 tháng 9) để kịp chuẩn bị cho khóa đào luyện gần một tháng này. Ra đón anh em tại phi trường là bốn thầy Việt Nam khác đang làm việc và học tập tại Ý. Ngay sau khi về đến cộng thể, trong ngôi nhà nguyện bé nhỏ của nhà thần học Gerini, anh em Việt Nam đã cùng nhau dâng thánh lễ trong tình huynh đệ và sự đơn sơ. Tuy mệt nhọc sau một hành trình dài cùng những âu lo ban đầu, ai nấy vẫn thể hiện sự quyết tâm đáp trả tiếng Chúa mời gọi và đầy hăng say bước vào khóa đào luyện với tất cả hoài bão, nhiệt tâm và lòng tín thác chân thành.
Đất nước Việt Nam từng được tưới gội bằng xương máu của bao vị thừa sai tử đạo, giờ đây những hậu duệ của các ngài cũng đang đầy quyết tâm dấn bước trên con đường truyền giáo chông gai mà các ngài từng đi qua, hầu hạt giống Tin Mừng được gieo vãi trên khắp địa cầu cho đến ngày “nước Cha trị đến”.
Theo: http://www.donboscoviet.org/
************

Giê-su mến, mình đã có dịp tiếp xúc với 2 bạn trẻ tình nguyện dấn thân truyền giáo tại Mông Cổ. Khi đặt bút ký tên vào đơn tình nguyện, hai ban đã xác định rằng ra đi là không có ngày trở về. Thật khâm phục tình yêu của hai ban trẻ ấy dành cho Cậu. Hiện nay vẫn còn nhiều bạn trẻ khao khát được loan báo tình yêu của Thiên Chúa đến những nơi xa xôi, hẻo lánh và ảnh hưởng đến tính mạng nữa. Xin cho các bạn trẻ ấy biết sống phó thác vào tình yêu của Chúa Ba Ngôi để hoàn thành sứ mạng yêu thương như Cậu đã yêu thương nhân loại.

Mừng kính Thánh Mattheu Tông đồ

"Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành." (Lc 8,21)

Thánh Mátthêu viết Phúc âm dưới sự hướng dẫn của thiên thần


Thánh Matthêu là một người thu thuế trong thành Caphanaum nơi Chúa Giêsu sinh sống. Thánh nhân là người gốc Do thái nhưng lại làm việc cho người Rôma, lúc ấy đang cai trị những người Do thái. Vì lý do này, những người Do thái bản xứ rất căm ghét Matthêu. Họ không làm bất cứ thứ gì chung với “những hạng tội lỗi công khai” này, như những người thu thuế giống Matthêu vậy.
Thế nhưng, Chúa Giêsu lại không cảm thấy như vậy! Ngày kia, thấy Matthêu đang ngồi ở bàn thu thuế, Chúa Giêsu liền nói: “Hãy theo Ta!” Lập tức Matthêu bỏ lại tiền bạc và địa vị mà đi theo Chúa Giêsu, trở thành một trong số mười hai tông đồ của Người. Sau đó, Matthêu đã làm một bữa tiệc rất thịnh soạn để thiết đãi Chúa Giêsu. Ngài cũng mời các bạn bè cùng làm nghề thu thuế như ngài tới gặp Chúa Giêsu và nghe Chúa dạy bảo. Có vài người đã bắt lỗi Chúa vì Người dám đồng bàn với những người mà họ cho là “quân tội lỗi.” Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã có sẵn câu trả lời: “Những người mạnh khỏe thì không cần đến thầy thuốc; chỉ những người đau yếu mới cần thôi. Ta đến không phải để kêu gọi những người công chính, mà là để kêu gọi những người tội lỗi biết ăn năn hối cải” (Mt 9,12).
Sau khi Chúa Giêsu về trời, thánh Matthêu đã ở lại Palestina. Thánh nhân lưu lại đó ít lâu và rao giảng cho dân chúng nghe biết về Chúa Giêsu.
Chúng ta rất quen thuộc với sách Tin mừng theo thánh Matthêu, cuốn sách mô tả câu chuyện về cuộc đời của Chúa Giêsu và những điều Người dạy. Tin mừng này được linh hứng và được đặt tên là Tin mừng theo thánh Matthêu, nhưng chúng ta không chắc là thánh Matthêu có thực sự là tác giả viết đã cuốn sách này hay không. Trong sách Tin mừng theo thánh Matthêu, Chúa Giêsu được trình bày cho những người bản xứ Do thái như là Đấng Mêsia mà các ngôn sứ đã tiên báo là sẽ đến để cứu giúp chúng ta.
Sau khi rao giảng Tin mừng cho nhiều người, thánh Matthêu đã tử đạo để làm chứng cho đức tin ngài rao giảng.
************

- Dâng lên Chúa 3 ngày tĩnh tâm của các linh mục giáo phận. Xin cho các ngài tĩnh tâm sốt sắng hầu lấy Lời Chúa làm kim chỉ nam cho cuộc đời Linh mục phục vụ đàn chiên Chúa đa tin tưởng phó trao.
- Xin Thánh Mattheu cầu bàu cùng Chúa ban ơn lành cho bạn Mattheu Bảo, ca viên ca đoàn Cecil Vườn Chuối và những ai mang tước hiệu Mattheu biết noi gương Thánh bổn mạng: từ bỏ của cải thế gian mà theo Chúa đến cùng.
- Xin cũng cho con biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa để con trở thành bạn hữu của Chúa mãi mãi nhé.

Thứ Sáu, 17 tháng 9, 2010

Hạt giống tốt

"Có hạt lại rơi nhằm đất tốt, và khi mọc lên, nó sinh hoa kết quả gấp trăm." (Lc 8,8)

Làm chứng cho Đức Kitô trong một quốc gia Phật giáo

Nou Achhekvichetra, lãnh đạo giới trẻ Công giáo, là một trong 350 người trẻ Campuchia tham dự Đại hội Giới trẻ Toàn quốc gần đây tại Battambang.


Trong bài bình luận sau đây, anh nói về cuộc hội ngộ này và những thử thách người Công giáo Campuchia gặp phải trong việc làm chứng cho đức tin trong quốc gia đa số Phật tử.
Achhekvichetra, đang ở đầu tuổi 20, là người điều phối ủy ban giới trẻ của hạt đại diện tông tòa Phnom Penh.
Tôi là nhân chứng của Đức Giêsu Kitô trong xã hội là chủ đề của Đại hội Giới trẻ Toàn quốc diễn ra từ ngày 23-27/8. Đây là đại hội lần thứ tư, diễn ra ba năm một lần, được tổ chức.
Đây là cơ hội tốt cho giới trẻ Công giáo Campuchia trên cả nước gặp nhau.
Thật sự đáng kính nể khi thấy người trẻ Công giáo cam kết và nói họ sẵn sàng trở thành “chứng nhân cho Đức Giêsu Kitô trong xã hội.”
Chúng tôi muốn củng cố đức tin của người trẻ Công giáo chúng tôi và những người đang học giáo lý. Chúng tôi biết ngày nay có nhiều người trẻ dễ bị lôi cuốn bởi chủ nghĩa duy vật và ảnh hưởng văn hóa và phong tục của các nước khác.
Đôi khi người Công giáo không đi nhà thờ. Một số người đến nhà thờ vì bổn phận nhưng họ không biết tại sao họ đi tham dự Thánh lễ vào mỗi Chúa nhật. Chúng ta phải hiểu và đánh giá cao đức tin của chúng ta hơn nếu chúng ta muốn trở thành “ánh sáng” cho thế gian.
Trong nhiều ngày, 350 bạn trẻ đã chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận cách trở thành nhân chứng cho Đức Giêsu Kitô trong xã hội.
Điều này không phải dễ vì Campuchia là quốc gia Phật giáo. Chỉ có khoảng 20.000 người Công giáo trong số hơn 14 triệu dân.
Trong mọi tình huống khó khăn, chúng ta có Đức Kitô là mẫu gương và sự cứu rỗi của chúng ta. Chính nhờ đức tin chúng ta tin Ngài cho Chúa Thánh Thần đồng hành và bảo vệ chúng ta. Thế thì tại sao chúng ta lại sợ?
Làm chứng cho Đức Kitô không có nghĩa là quảng cáo Ngài trên đài phát thanh, truyền hình hay trên báo chí. Chúng ta phải làm điều đó thông qua hành động của chúng ta. Chúng ta không những phải công bố Đức Kitô mà còn phải yêu thương tha nhân như chính mình, tham dự Thánh lễ và cầu nguyện luôn.
Các tham dự viên đại hội thảo luận việc trở thành “muối” và “ánh sáng” cho thế gian. Ánh sáng của Đức Kitô luôn ở bên chúng ta nhưng chúng ta phải nhận thức được ơn ích này.
Đôi khi chúng ta nghĩ chúng ta vô dụng nhưng Đức Giêsu nói với chúng ta rằng chúng ta là con Thiên Chúa. Vì thế chúng ta không phải sợ hãi, bất kể chúng ta giàu, nghèo, khỏe mạnh hay xấu xí. Cuộc sống của chúng ta quan trọng.
Chúng ta phải thể hiện “muối” và “ánh sáng” trong chúng ta bằng cách chăm sóc những người xung quanh chúng ta, đặc biệt là người nghèo.
Cuối cùng để làm chứng nhân cho Đức Kitô, chúng ta phải liên đới với nhau.
Giáo hội ở Campuchia bị chia rẽ thành người Công giáo Khmer và Việt Nam và đôi khi có xảy ra căng thẳng. Nhưng đức tin không gây chia rẽ.
Nếu chúng ta muốn nói chúng ta tin vào Đức Giêsu Kitô, chúng ta phải yêu thương nhau.
Để công bố Tin Mừng không chỉ nói về Tin Mừng mà còn sống theo Tin Mừng vì tôi chắc chắn rằng những ai muốn biết Đức Kitô sẽ chăm chú nhìn vào những việc chúng ta làm
Nguồn: http://www.gxvuonchuoi.net/Home/modules.php?name=News&op=viewst&sid=1146

===========

Giê-su mến, mình thật xấu hổ với bạn vì đã nhiều lần làm ngơ trước kho tàng quý báu là Lời Chúa mà bạn đã ưu ái dành cho mình. Mình hờ hững với những lời dạy dỗ, bảo ban của bạn quá đỗi chỉ vì mình lười biếng và chưa yêu bạn thật lòng. Đừng buồn mình nhé, Giê-su.
Mình sẽ cố gắng là một người trung tín trong việc nhỏ: hằng ngày mình sẽ nhớ đến cậu, đọc và suy niệm một câu Lời Chúa; làm một điều tốt cho anh em. Xin bạn hãy giúp sức cho mình , Giê-su nhé!!!!

Thứ Năm, 16 tháng 9, 2010

Sự Trung Tín - Giáo dân công khai tụ tập sinh hoạt tôn giáo

"Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn." (Lc16,10)

Giáo dân công khai tụ tập sinh hoạt tôn giáo


Hàng ngàn giáo dân ở ba tỉnh miền tây bắc đã công khai sống đức tin của mình bằng cách tập trung tại nhà để cầu nguyện mặc cho lệnh cấm sinh hoạt tôn giáo của chính quyền.
Ông Giuse Nguyễn Văn Tiến cư ngụ tại huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên nói ông bắt đầu mời giáo dân đến nhà ông đọc kinh cách đây ba tháng sau khi ông tham dự buổi cầu nguyện cách đó 80 km.
“Tôi rất vui mừng hiện nay có 120 người thường xuyên tập trung tại nhà tôi đọc kinh vào các ngày Chúa nhật” – người đàn ông 54 tuổi nói.
Bố của năm người con nói công an đã tra hỏi ông nhiều lần và yêu cầu ông không được tổ chức cầu nguyện.
“Bà con không sợ gì vì cầu nguyện là chuyện bình thường của người Công giáo vào các dịp giỗ ông bà, cha mẹ để báo hiếu và sống tốt hơn chứ không làm chuyện gì mất đoàn kết hay gây mất trật tự” – ông Tiến nói.
Ông nói hồi tháng 8 Đức Giám mục phụ tá Gioan Maria Vũ Tất của Hưng Hóa đã kiến nghị lên chính quyền địa phương cho phép giáo dân cầu nguyện chung với nhau vào các buổi tối trong tuần.

Các sinh hoạt mục vụ dành cho người Công giáo ở các tỉnh Điện Biên và Lai Châu, hai nơi cấm sinh hoạt tôn giáo, bắt đầu vào năm 2007, theo linh mục Phêrô Phạm Thanh Bình, quản xứ Sa Pa ở tỉnh Lào Cai và coi sóc mục vụ hai tỉnh này.
Vào thời điểm đó, các cộng đoàn Công giáo nhỏ từ 50-70 người tập trung cầu nguyện tại nhà. Hiện có hơn 4.000 người Công giáo, cha Bình cho biết.
Vị linh mục nói ngài còn gởi giáo lý viên và chủng sinh đến dạy giáo lý cho giáo dân.
Nhiều người Công giáo nói họ muốn chính quyền địa phương công nhận các sinh hoạt tôn giáo của họ và cho phép họ xây dựng nhà thờ.
Trích: http://www.ucanews.com

 
Giê-su mến, khi  đọc tin này có lẽ bạn cũng vui nhỉ. Bạn đã có những đồng môn trung tín với bạn trong cuộc sống rồi đấy. Xin Giê-su hãy luôn đồng hành với những anh chị em đang gặp ngăn trở này, xin giúp họ luôn trung tín với Chúa Ba Ngôi và luôn sống tinh thần yêu thương cho dù phải gặp khó khăn thử thách nhé.



Nhà tôi

Ngày đầu tiên  học viết blog tại TTMV....
Ra về, trời mưa tầm tã......
Vừa lạnh vừa mệt lại vừa đói meo........
Vừa bước vào nhà, tôi thấy một mâm cơm tươm tất đã dọn sẵn.
Xúc động lắm !!!
Cám ơn anh đã âm thầm làm hết mọi việc cho em có thời gian chu toàn công việc được giao
Cám ơn anh đã luôn yêu thương và ủng hộ em trong từng công việc dù lớn hay nhỏ,
để rồi anh hy sinh làm hết những  việc lẽ ra em phải có trách nhiệm.
Xin Chúa ban cho anh nhiều ơn lành hồn xác và chúc lành cho tình yêu của chúng mình anh nhé!!!


Ăn năn

"Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn" (Lc 15,7)

Nữ sinh bị đánh hội đồng, quay clip
Hình ảnh một số bạn trẻ túm tóc, liên tục dùng chân đạp vào đầu, đá vào mặt một cô gái đã gây xôn xao thành phố Vinh những ngày gần đây. Sở GD&ĐT Nghệ An đã đề nghị công an vào cuộc.
Trong clip, một cô gái mặc áo trắng, quần bò bị 3 bạn nữ kéo đến một chỗ vắng túm tóc rồi đánh đập. Mặc dù nữ sinh này bị ngã xuống đất và ôm mặt chịu đòn nhưng vẫn không được buông tha. Sau khi thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, nhân vật nữ (mặc đồ giống nam) còn phi thẳng hai chân vào mặt cô gái.
Khi cô gái bị đánh, trong clip có tiếng nói của một số bạn trẻ đứng xem. Một số em xuýt xoa với giọng Nghệ An đặc sệt như: “thôi bay đừng đập hắn nữa”, “có can chi không hề”...
Đoạn clip này được quay bằng điện thoại di động và đang được học sinh ở thành phố Vinh phát tán qua điện thoại di động và mạng internet.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, ngay khi clip xuất hiện cùng với một số thông tin cho rằng những người tham gia vụ đánh hội đồng trên là học sinh của 2 trường THPT ở thành phố Vinh, Sở đã có công văn gửi tới hai trường này yêu cầu phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh. Nếu đúng là học sinh của trường thì Sở yêu cầu xử lý nghiêm.
Sở GD&ĐT cũng đã có công văn gửi công an thành phố Vinh đề nghị giúp đỡ điều tra làm rõ nội dung trong đoạn clip.

Lạy Chúa, con cầu nguyện cho các bạn trẻ ngày nay có đủ nội lực để can đảm vượt qua những cám dỗ đang đầy rẫy trong cuộc sống. Xin hãy cho các bạn ấy nhận biết, ăn năn và tránh xa những hành vi tội lỗi này, Chúa nhé!